Phan Thế Phùng, nhạc sĩ trưởng thành
từ phong trào “tiếng hát át tiếng bom” trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
10 năm phục vụ trong quân ngũ đã để lại trong ông “chất lính” truyền vào các
tác phẩm âm nhạc. Nhưng có lẽ, chưa có tác phẩm nào mang đậm “chất lính Trường
Sa” như tác phẩm “Mưa từ lòng biển”. Một tác phẩm mới của ông trong năm 2013.
(Bài
hát Mưa từ lòng biển)
Chia sẻ với chúng tôi về cơ duyên với
Trường Sa, ông cho biết: “Tôi đã từng đọc thơ của nhiều tác giả nhưng chưa có
bài thơ nào lại khơi gợi “chất lính” trong tôi như bài thơ “Mưa từ lòng biển”
trong tập thơ “Biển có về theo giấc ngủ với con không” của nhà thơ Phạm Văn
Thanh. Những tứ thơ khi đọc qua cứ ám ảnh tôi, cứ thôi thúc tôi bởi sự hồn
nhiên trong trẻo, sự lạc quan yêu đời của người chiến sĩ Trường Sa trước sự
khắc nghiệt của thiên nhiên. Tôi cứ đọc đi, đọc lại và rồi những nốt nhạc cứ
nhảy múa trước mắt tôi như những con sóng vỗ vào nhau tạo thành mưa. Và ca khúc
“Mưa từ lòng biển” ra đời trong những tình cảm mộc mạc, chân thành đó”.
“... Mưa không từ ở trên trời...Mưa từ
biển mưa lên là từng cơn sóng dập vào nhau thành mưa...” một phát hiện rất mới,
rất lạ mang chiều sâu của sự quan sát tinh tế bởi người lính Trường Sa quanh
năm, suốt tháng chung sống với những cơn mưa từ biển ấy. Với phong cách vui vẻ,
lạc quan, trong sáng, trẻ trung những nốt nhạc của Thế Phùng như đẩy người nghe
đến những cung bậc tận cùng của sự chia sẻ. Để rồi, ông đem sự chia sẻ đến cạn
lòng ấy đến với các chiến sĩ Trường Sa bằng sự đồng hành, cộng hưởng với sức
chịu đựng dẻo dai, với sức sống mãnh liệt trước sự khắc nghiệt của thiên nhiên
“...Người lính Trường Sa quanh năm là thế đó em ơi. Cứ mưa lây phây, nhả nhớt
không mùa. Cây đâm rễ gặp mưa hóa đất. Còn chiếc lá nở thành cây phong ba...”
Hơi thở cuộc sống từ biển cả của chiến sĩ Trường Sa
được chan vào từng khuông nhạc như là một sự tri ân, một thông điệp tình cảm
sâu lắng, kín đáo mà sục sôi làm vậy. Nói như ông “mưa từ lòng biển mưa lên sao
không sục sôi cho được”.
Có thể nói cả cuộc đời gắn bó với âm nhạc, người nhạc
sĩ sinh ra từ thôn Ri Phúc, xã Thụy Phúc, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, từng
có 20 năm phụ trách ngành văn hóa thông tin huyện Thái Thụy, các tác phẩm của
ông mang đậm âm hưởng dân ca. Hơn 100 tác phẩm đắm mình vào cuộc sống, vào
phong trào ca hát của làng quê, trong đó có nhiều tác phẩm được giới thiệu trên
sóng phát thanh, truyền hình của Trung ương và địa phương như: Hai mùa lúa, Quê
hương người cộng sản, Vẫn màu áo lính, Một thời ra trận, Sáng mãi Bạch Đằng, Lên
chùa Đồng, Trăng Yên Tử, Bức tranh quê, Đất mẹ Hoàng Tân, Thành phố bình
minh... Gần đấy nhất, ca khúc “Dấu tích ngọa vân” của ông đã đoạt giải thưởng
của Hội Nhạc sĩ Việt Nam và nhiều giải thưởng trong các kỳ hội thi, hội diễn
của Trung ương và Quảng Ninh.
Phan Thế Phùng nghỉ hưu từ năm 1995, từ đó đến nay ông
ra Quảng Ninh tham gia hoạt động văn hóa nghệ thuật ở các công ty du lịch như:
Công ty quốc tế Hoàng Gia; Công ty quốc tế Tuần Châu; Công ty Tùng Lâm Yên Tử.
Hiện nay ông đang truyền dạy nhạc cụ dân tộc cho các cháu thiếu nhi thuộc nhà
văn hóa thanh thiếu nhi thành phố Uông Bí. Tuy hoạt động ở nhiều lĩnh vực văn
hóa nghệ thuật nhưng ông vẫn cháy cùng âm nhạc. Tác phẩm mới “Mưa từ lòng biển”
có lẽ sẽ là một tác phẩm được các chiến sĩ Trường Sa và những người tâm huyết
với Trường Sa yêu mến. Ông hy vọng đây là món quà nhỏ của “cựu lính” trân trọng
gửi tặng cho các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ ở quần đảo Trường Sa thân yêu.
Đàm
Thái Bình