.: Tản văn của Bùi Văn Sơn - Thụy phúc, Thái Thụy, Thái Bình.

Tản văn của Bùi Văn Sơn - Thụy phúc, Thái Thụy, Thái Bình.

QUÊ HƯƠNG TUỔI THƠ TÔI (*)           
Tác giả: Bùi Văn Sơn
(Thuyền Đỗ, Thụy Phúc, Thái Thụy, Thái Bình)

            Quê hương ai cũng chỉ có một như nhà thơ Đỗ Trung Quân từng viết, song mỗi người lại có một quê hương với những ký ức riêng. Với tôi, quê hương chính là thuở ấu thơ đầy kỷ niệm bên dòng sông chảy nặng phù sa, những cánh đồng thẳng cánh cò bay.
            Ngay từ khi còn học cấp một, lũ trẻ con chúng tôi đã quen với ruộng đồng, đơn giản chỉ là sau một buổi cắp sách đến trường, được sắm vai những đứa trẻ trâu đủ trò nghịch ngợm. Nào là đốt rạ nướng khoai, nào là hun khói bắt chuột, và cả những trưa hè trốn mẹ dãi nắng, tắm sông. Tôi là đứa “nhát như cáy”, vậy mà chỉ vài buổi lặn ngụp dưới sông đã biết bơi thành thạo, cũng không hiểu là do tôi có khiếu bơi lội cộng với sự kiên trì tập luyện và sự dìu dắt của mấy anh lớp lớn, không nản lòng vì mấy lần no nước, hay do con chuồn chuồn ngô cắn rốn rớm máu đến nhiễm trùng.
            Giữa những ngày mùa oi ả, chúng tôi được nghỉ học một tuần. Từng ấy ngày, mỗi đứa hưởng ứng phong trào Kế hoạch nhỏ một ki lô gam lúa. Vậy là những bông lúa, gié lúa còn xót lại trên những mô rạ hay do mấy bác xe thồ làm rơi rớt trên đường được lượm mót kỹ càng. Năm nào cũng vậy, tôi đều đạt danh hiệu chiến sỹ kế hoạch nhỏ. Không tài giỏi gì cho lắm, là do trong lúc lùa trâu ra đồng, tôi đã cần cù lượm mót, năng nhặt chặt bị, tôi không bỏ xót một mô rạ nào, dù chỉ 01 gié lúa.
            Vụ màu, quê tôi khoai nhiều vô kể, không cần tốn công lội xuống rõng khoai mà ngồi trên lưng trâu dùng một đoạn tre nhọn, chọc vào chỗ nứt trên luống khoai, xoáy nhẹ, lôi lên, thế là có món khoai sống ăn liền. Đến kỳ thu hoạch, nhìn những khoai mẹ, khoai con như đàn heo sữa mũm mĩm, thôi thì đủ loại: khoai Hoàng Long vỏ đỏ, ruột vàng, khoai Sài Gòn nổi tiếng thơm ngon, khoai bi hay còn gọi là khoai 68 ruột trắng, dẻo, khoai tím…Từ khoai, người dân quê tôi làm ra đủ món: khoai luộc, khoai nướng, khoai hấp, khoai khô nấu với lạc và gạo nếp, riêng khoai tây có thể xào, nấu canh, chiên, làm chả…Bọn trẻ chúng tôi, cứ đến mùa khoai là béo tròn trùng trục. Bà tôi thì bảo, nhờ khoai mới qua cơn đói khổ.
           
Vào những đêm trăng hè sáng vằng vặc, cả làng tôi được nghe tiếng sáo diều ngân nga của bác Khương, người nổi tiếng với đủ loại diều lớn nhỏ, có con dài đến 10 m, phải dùng dây lạt tre bện lại mới thả được diều, đi kèm theo đó là những ống sáo bằng vế đùi. Trước khi diều no gió, đầu dây còn lại phải được cột chắc vào bụi tre già, ấy vậy mà có khi gió mạnh, diều chao lượn khiến bụi tre oằn mình, phát ra tiếng kêu cót két. Diều của bác Khương bọc bằng vỏ bao xi măng dầy và bền chắc, đây cũng chính là loại giấy để bao tập sách của tất thảy trẻ em vùng quê chúng tôi.
            Giờ đây, đôi lần về lại làng quê, tôi không còn thấy nhiều những đứa trẻ trâu đen nhẻm như chúng tôi ngày trước. Cuộc sống khá hơn nhiều, điện đường trường trạm được đầu tư xây dựng khang trang, nhà nhà lầu hóa, học sinh đa số học hai buổi, duy chỉ có con sông quê tôi vẫn hiền hòa chảy mãi gợi cho tôi nhiều kỷ niệm thuở ấu thơ./.

GỢI NHỚ QUÊ HƯƠNG

Xa quê từ thuở thiếu thời, ít có điều kiện về thăm quê nhưng mỗi khi nghe ca khúc Nắng ấm quê hương của nhạc sỹ Vĩnh An, tôi như được trở về giữa ngày mùa rộn rã, cùng với người dân quê tôi hồ hởi gồng gánh những mùa vàng bội thu. Ở một vài địa phương ven biển, đồng cói ngút ngàn hứa hẹn bao nhiêu là sản phẩm đầu ra cho làng nghề truyền thống, từ dệt chiếu, đan manh đến làm giỏ, làn, bình, hộp, mũ, dép. Những chiều hè lộng gió ở bãi biển Đồng Châu, ta sẽ cảm nhận được không khí trong lành, thỏa sức tắm biển nơi Cồn Thủ, Cồn Vành, hòa mình với các trò vui chơi, giải trí trên biển như câu cá, lướt ván, bóng chuyền bãi biển ...
Về với Thái Bình, ta không thể không đến thăm Khu lưu niệm người chiến sỹ cộng sản lỗi lạc của Đảng Cộng sản Việt Nam - Nguyễn Đức Cảnh trên đất biển Diêm Điền. Hát cùng tiếng sóng biển rì rào đêm ngày ngợi ca người đồng chí trung kiên, người đảng viên bất khuất, để tên anh được sáng mãi, lưu truyền cho các thế hệ cháu con tự hào đất mẹ anh hùng.
Với thế giới tâm linh, không khó để ta có thể tìm đến Chùa Keo, một trong những ngôi cổ tự nổi tiếng bậc nhất ở Việt Nam. Ngày ấy, vào mùa lễ hội hàng năm (mồng bốn tháng Giêng và ngày 13, 14, 15 tháng chín âm lịch), tôi thường được mẹ cho đi viếng chùa, say xưa xem bơi trải, bơi thuyền, múa cổ và diễn xướng về đề tài lục cúng (hương, đăng, hoa, trà, quả, thực) thật sinh động. Mẹ bảo, hồi bé tôi rất khó nuôi nên mẹ đã làm thủ tục “bán” tôi vào chùa cho mau ăn, chóng lớn. Ngày tôi vào miền Nam lập nghiệp, mẹ dẫn tôi đến chùa xin chuộc lại. Thấm thoắt vậy mà đã hơn hai chục năm được chùa cho chuộc, tôi đã khôn lớn, trưởng thành. Không có điều kiện về quê, nhưng thành tâm của tôi luôn hướng về địa danh tâm linh này, bởi đó chính là niềm tin vào những điều tốt đẹp.
“Thái Bình ơi Thái Bình, ai đặt tên cho đất, Thái Bình từ bao giờ, mà trong nắng trong mưa lúa vẫn lên xanh tốt, mà trong bom trong đạn, đất vẫn cứ sinh sôi, Thái Bình ơi sao mà yêu đến thế !”. Lời hát không chỉ là chính tâm tình của những  người xa xứ như tôi, mà có lẽ đó còn là niềm tự hào của tất cả người dân Thái Bình./.

VỊ QUÊ
Trưa nay ăn món cá chép kho mẹ nấu, nỗi nhớ quê hương chợt ùa về trong tôi, nghe da diết. Thấm thoắt vậy mà đã mười mấy năm xa quê, kể từ ngày tốt nghiệp trung học phổ thông, vào miền Nam lập nghiệp. Những ngày đầu nơi đất khách quê người, phải khó khăn lắm mới quen được khí hậu của hai mùa mưa, nắng, những món ăn ngọt đậm vị đường. Thoáng nghĩ chắc phải lâu lắm mới sẽ lại được món cá đồng tươi rói kho với quả chay khô mềm rục đến tận xương. Không củi cao su, chẳng củi điều cũng không hề ga hay bếp điện, mẹ dùng sản phẩm của những tháng ngày cày bừa, cấy hái, sau khi xay giã lấy gạo, vỏ trấu làm chất đốt kho cá xem như nhiên liệu số một, vừa giữ nhiệt cao, vừa làm thịt cá tăng thêm hương vị đậm đà khó quên, dễ nhớ.
Quê tôi lúc ấy nghèo lắm, chủ yếu sử dụng những thực phẩm tự làm ra như khoai lang, khoai tây, su hào, bắp cải, cải cúc, cải ngọt… Không cao lương, mỹ vị nhưng khéo léo trong chế biến, nếu đã được thưởng thức thì không thể quên. Tôi còn nhớ mãi món rau muống trộn cha làm mỗi khi đánh dậm được mớ tép tươi, công thức thật đơn giản. Rau muống chần qua nước sôi, một chút mỡ lợn phi thơm với hành lá đủ để rang tép vừa chín tới. Rau muống, tép và gia vị gồm muối, mì chính, nước mắm trộn đều cùng một ít khế chua đã đập dập, rau rách dậu xắt nhỏ, thế là món rau muống trộn hoàn tất. Có thể dùng thêm xì dầu (nước tương), một vài lát ớt.
Vào vụ mùa, trên những cánh đồng quê ngào ngạt mùi lúa mới, bọn trẻ con chúng tôi vừa chăn trâu, vừa phụ gia đình gặt lúa. Thấm đẫm những giọt mồ hôi mằn mặn sau một mùa vàng bội thu, cha phấn khởi mua về mấy lạng thịt lợn vai. Phần mỡ thắng ra để dành xào rau, phần thịt nạc ít ỏi còn lại xào lẫn khoai tây. Đến bữa cơm chị em tôi háo hức, giành nhau từng miếng thịt, cha mẹ cười chỉ gắp miếng khoai tây.
Mỗi buổi sáng, mẹ tôi hay thức dậy sớm, lúc thì luộc mấy củ khoai, khi thì cặm cụi, kỳ công làm món bánh khoai. Một ít lạc, vài bò (loong) khoai lang khô, thêm bát gạo nếp đầu mùa, vừa nấu, vừa đánh cho các loại lương thực kết hợp, sao cho vừa thơm, vừa dẻo, đổ ra mâm lót lá chuối, cắt thành miếng như những chiếc bánh thơm nồng.

Giờ đây, khi cuộc sống đủ đầy, nào phở, bún, nào bánh canh, đã thưởng thức những món ẩm thực cao cấp như tôm hùm, cá tằm, cá lăng, heo non, cua gạch, tôi vẫn không thể quên rau muống trộn, cá kho chay hay bánh khoai đầy vị quê thương nhớ./.


HOÀI NIỆM MỘT MIỀN QUÊ

            Đã từ rất lâu tôi chưa có dịp về thăm quê, dẫu rằng đó là nơi tuổi thơ tôi đong đầy bao kỷ niệm. Dấu yêu chợt ùa về, khi đứa con trai đưa ra một thắc mắc từ tiết học Tập làm văn chiều nay: Tại sao quê hương mỗi người chỉ một ?
            Hơi bất ngờ và đột ngột với câu hỏi của con trai, tôi lần tìm trong ký ức những ngày chăn trâu, cắt cỏ, thả diều, tắm sông mà sao nghẹn đắng trong lòng. Còn nhớ mãi những trận đòn roi của cha vì ham chơi mà cột trâu suốt buổi, cùng chúng bạn bắn bi, trốn tìm. Sao quên được những buổi trưa hè nắng cháy da cháy thịt nhưng vẫn trốn mẹ đội đầu trần đi bắt cua, mò ốc. Và ngay cả những lần mẹ cha bị mắng vốn, cái tội để con theo bạn bè đi hái trộm nhãn lồng
            Vào mỗi buổi sáng sớm vụ mùa, mặt trời chưa kịp nhô lên, trên những bông lúa vàng nặng trĩu vẫn còn ướt đẫm sương mai, nhà nhà, người người đã túa ra đồng, vội vã gặt hái trong tiếng nói cười rộn rã, đó chính là những mùa vàng bội thu. Lúc này, bọn trẻ con chúng tôi có nhiệm vụ ở nhà phơi lúa, hong rơm. Khi cuộc sống đủ đầy, người dân quê tôi đã biết chọn những giống lúa mới thơm ngon để gieo trồng (tám thơm, là BC15, nếp vận tải hay nếp hương), thay vì trước đây chỉ quan tâm đến số lượng. Nghĩ đến đây thôi là tôi lại ước ao có một ngày trở về quê hương đúng mùa lúa chín (Nơi được mệnh danh là quê hương Năm tấn), để được đắm mình trong hương thơm đượm của rơm mới mà người dân quê tôi thường có thói quen phơi trên các ngõ thôn, đường xóm, thỉnh thoảng vẫn còn sót lại vài hạt lúa, để rồi phát ra những tiếng nổ tanh tách khi rơm được dùng để nấu bếp. Nếu ai đó đã một lần ăn bát cơm đầu mùa, thành phẩm của biết bao nhiêu là công đoạn, từ chọn giống, gieo mạ, cấy, chăm bón đến gặt, phơi, chà sát và cả cách nấu cơm truyền thống bằng rơm, thì chắc hẳn không quên được những năm tháng cấy cày của người nông dân chân lấm tay bùn.
            Chút hoài niệm đã đưa hai cha con tôi tìm về quê hương, nơi mà mỗi người chỉ có một, như là chỉ một mẹ thôi, để rồi nếu ai không nhớ, sẽ không lớn nổi thành người.HOÀI NIỆM MỘT MIỀN QUÊ

            Đã từ rất lâu tôi chưa có dịp về thăm quê, dẫu rằng đó là nơi tuổi thơ tôi đong đầy bao kỷ niệm. Dấu yêu chợt ùa về, khi đứa con trai đưa ra một thắc mắc từ tiết học Tập làm văn chiều nay: Tại sao quê hương mỗi người chỉ một ?
            Hơi bất ngờ và đột ngột với câu hỏi của con trai, tôi lần tìm trong ký ức những ngày chăn trâu, cắt cỏ, thả diều, tắm sông mà sao nghẹn đắng trong lòng. Còn nhớ mãi những trận đòn roi của cha vì ham chơi mà cột trâu suốt buổi, cùng chúng bạn bắn bi, trốn tìm. Sao quên được những buổi trưa hè nắng cháy da cháy thịt nhưng vẫn trốn mẹ đội đầu trần đi bắt cua, mò ốc. Và ngay cả những lần mẹ cha bị mắng vốn, cái tội để con theo bạn bè đi hái trộm nhãn lồng
            Vào mỗi buổi sáng sớm vụ mùa, mặt trời chưa kịp nhô lên, trên những bông lúa vàng nặng trĩu vẫn còn ướt đẫm sương mai, nhà nhà, người người đã túa ra đồng, vội vã gặt hái trong tiếng nói cười rộn rã, đó chính là những mùa vàng bội thu. Lúc này, bọn trẻ con chúng tôi có nhiệm vụ ở nhà phơi lúa, hong rơm. Khi cuộc sống đủ đầy, người dân quê tôi đã biết chọn những giống lúa mới thơm ngon để gieo trồng (tám thơm, là BC15, nếp vận tải hay nếp hương), thay vì trước đây chỉ quan tâm đến số lượng. Nghĩ đến đây thôi là tôi lại ước ao có một ngày trở về quê hương đúng mùa lúa chín (Nơi được mệnh danh là quê hương Năm tấn), để được đắm mình trong hương thơm đượm của rơm mới mà người dân quê tôi thường có thói quen phơi trên các ngõ thôn, đường xóm, thỉnh thoảng vẫn còn sót lại vài hạt lúa, để rồi phát ra những tiếng nổ tanh tách khi rơm được dùng để nấu bếp. Nếu ai đó đã một lần ăn bát cơm đầu mùa, thành phẩm của biết bao nhiêu là công đoạn, từ chọn giống, gieo mạ, cấy, chăm bón đến gặt, phơi, chà sát và cả cách nấu cơm truyền thống bằng rơm, thì chắc hẳn không quên được những năm tháng cấy cày của người nông dân chân lấm tay bùn.
            Chút hoài niệm đã đưa hai cha con tôi tìm về quê hương, nơi mà mỗi người chỉ có một, như là chỉ một mẹ thôi, để rồi nếu ai không nhớ, sẽ không lớn nổi thành người

                                                                     Bùi Văn Sơn
Trung tâm Hỗ trợ thanh niên công nhân tỉnh Bình Phước. ĐT: 0918734594
(Quê quán: Thuyền Đỗ, Thụy Phúc, Thái Bình)


Lên đầu trang
Vào giữa trang
Xuống cuối trang