.: Đền làng Ry Phúc xã Thụy Phúc - Đường đến di tích

Đền làng Ry Phúc xã Thụy Phúc - Đường đến di tích

ĐỀN LÀNG RY PHÚC
ĐƯỜNG ĐẾN DI TÍCH

             Đền làng Ry Phúc, xã Thụy Phúc, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình là nơi thờ Hai vị thiên thần thời Hùng vương là “Hiển hậu Hiển phụ chính Phạm Đại Liệu” và “Dực tá chân linh Vũ Lăng tướng đại thần, đại vương ; một vị nhân thần là “Thánh mẫu, đương cảnh Thành hoàng Ngọc Dung công chúa”.

          (Hình ảnh đền làng Ry Phúc nhìn từ phía đường)

        
  Theo thần cũ (đã mất năm 1950) được các hương lão trong làng kể lại hai vị công thần “Hiển hậu Hiển phụ chính Phạm Đại Liệu” và “Dực tá chân linh Vũ Lăng tướng đại thần, đại vương” vâng lệnh vua Hùng Duệ Vương về xây dựng căn cứ ở Ry Phúc, hiệu triệu dân chúng khai hoang xây dồn, đắp lũy, lập làng,... sau đó cất quân từ Trung Châu đi đánh Thục Phán. Khi hai vị thần hóa về trời, vâng lệnh triều đình dân làng Ry Phúc đã lập đình thờ, tôn làm phúc thần để phụng thờ.

Đến thời hậu Lê, khi Lê Lợi phất cờ khởi nghĩa đã xuất hiện người con gái có tên là Ngọc Dung theo đoàn nghĩa binh Bao Ngạn kéo về Lam Sơn phò tá Bình Định Vương, thấy lạ Lê Lợi cho mời vào bản doanh hỏi chuyện và được biết nàng có tài thơ văn, tinh tường binh pháp, qua tỷ thí cùng các võ tướng, côn, quyền, cung, kiếm đều giỏi, lại là cô gái xinh đẹp và mang dòng tộc họ Lê, Lê Lợi liền nhận làm con nuôi. Thực hiện kế sách “yên dân” biết Ngọc Dung được dân phủ Thái Bình ngưỡng mộ, Lê Lợi cử Ngọc Dung cùng các tướng Ngô Tiệp, Lê Hựu trở lại Thái Bình cùng đồng tâm hiệp lực mộ dân binh chiếm lĩnh vùng đầm bãi Văn Tràng (Thụy Văn), Trà Hồi, Trà Linh (Thụy Liên), Tam Lộng (Thụy Hưng) lập khu căn cứ liên hoàn. Bến Thuyền Đỗ, Ry Phúc thành nơi thủy trại, để chấn an lòng dân Ngọc Dung công chúa đã sắm lễ vào đình Ry Phúc cáo yết “Hùng triều lưỡng vị tướng quân”. Nhân dân trong làng cảm động tình nguyện đầu quân, tích trữ lương thực theo Ngọc Dung đánh giặc ở cửa Trần, cửa Hộ. Ngày 5 tháng 12 năm Bính Ngọ (1426) trong trận quyết chiến với quân thù trên cửa biển Diêm Hộ bà đã anh dũng hy sinh.

Sau khi đánh xong giặc nước, trong lễ thưởng công nhà vua phong cho Ngọc Dung là công chúa và sắc phong mỹ tự “Biển thức đoan trang, trinh thục tử hòa đoan chính Phương Nương đại vương”.

Trên vâng lệnh vua, dưới nhớ công đức của bà dân làng tôn thờ bà là Thành hoàng làng.

Trước cách mạng tháng Tám đền làng là nơi giao thông liên lạc của Việt Minh, địa điểm hoạt động của công binh xưởng Quân khu Tả Ngạn. Sau cách mạng đền làng là nơi làm việc của tổ chức đảng, các tổ chức cứu quốc và các đoàn thể khác. Trong những năm kháng chiến đền là địa điểm in truyền đơn, khẩu hiệu tuyên truyền; có hầm bí mật cất dấu tài liệu, che dấu cán bộ; nơi hội quân của các cuộc đánh địch càn quét, lập tề; nơi đóng quân, tập huấn, huấn luyện chính trị, quân sự, chuyên môn kỹ thuật cho dân quân, du kích và bộ đội chủ lực Trung đoàn 64, 42 Liên khu Ba, Trung đoàn Quang Trung, Đại đội 51, 83 của tỉnh,...Những năm 1951 -1952 đền làng còn là nơi trung chuyển thương, bệnh binh, lương thực, thực phẩm, vũ khí đạn dược từ Kiến An (Hải Phòng) về Thái Bình. Năm 1954 hòa bình lập lại, đền làng là nơi tập kết, tiễn đưa hàng trăm lượt thanh niên tòng quân giết giặc, là địa điểm của các cuộc bầu cử, lớp bình dân học vụ,...Ngày nay đền làng là địa điểm sinh hoạt văn hóa tâm linh, là tụ điểm vui chơi văn hóa, văn nghệ, tổ chức các lễ hội truyền thống của nhân dân trong làng.

Hàng năm, vào các ngày 10,11,12 tháng 9 âm lịch dân làng tổ chức “lệ làng” với không gian đậm chất văn hóa truyền thống. Các hoạt động tế lễ do đội tế nam, nữ của làng đảm trách, các dòng họ trong làng lần lượt dâng hương tế lễ các vị thành hoàng và tổ chức ăn liên hoan với quy mô cả làng theo dòng họ, lễ rước quanh làng được tổ chức trang trọng, đội chèo truyền thống biểu diễn các tích chèo cổ và hiện đại phục vụ du khách và nhân dân trong vùng.

 (Đền làng Ry Phúc nhìn từ phía cánh đồng)
                                                                    
                                                                                  Bài và ảnh: Đàm Tuấn Đạt
                                                                                                    Báo Quân khu 3
                                                                                    HT: 4NC - 44, Kiến An, Hải Phòng

1 nhận xét:

Nặc danh nói...

Nhà mình ở ngay sau đình làng đấy...Nhớ quê quá đi!

Lên đầu trang
Vào giữa trang
Xuống cuối trang