.: Không giản đơn nghề dẫn chương trình

Không giản đơn nghề dẫn chương trình



KHÔNG GIẢN ĐƠN – NGHỀ DẪN CHƯƠNG TRÌNH
Trong những năm gần đây, Dẫn chương trình hay còn gọi là MC (Viết tắt của cụm từ Master of Ceremonies) được coi là nghề mà nhiều bạn trẻ yêu thích, bởi hoạt động ở lĩnh vực này sẽ có cơ hội tiếp xúc với nhiều người, nhiều thành phần xã hội khác nhau và giúp hoàn thiện bản thân. Song, để nói cho “lọt tai” người nghe đã khó, nói cho thu hút, lôi cuốn và có sức thuyết phục, tin tưởng những thông tin MC phát ngôn lại là vấn đề không giản đơn.

            Ngoài năng khiếu vốn có, người dẫn chương trình phải có trình độ, vốn kiến thức hiểu biết nhất định, giọng nói rõ ràng, phát âm chuẩn theo đúng chính tả, linh hoạt, phong cách tự tin, thái độ gần gũi, thân thiện và kỹ năng phản ứng nhanh, tư duy lôgic trước mọi tình huống, đặc biệt là có tinh thần trách nhiệm, lòng yêu nghề, đam mê công việc. Bên cạnh đó, cần phải chú ý đến ngoại hình, ăn mặc lịch sự, phù hợp với nội dung, hình thức của mỗi chương trình.
            Khi có cơ hội, nhiều người đã nghiễm nhiên trở thành MC, từ các chương trình văn nghệ, đám cưới, hội hè đến các hội nghị, lễ trọng. Có người quan niệm, nghề dạy nghề, không cần phải đào tạo qua trường lớp vẫn có thể hành nghề.
            Có dịp tiếp xúc với CT, người dẫn chương trình truyền hình VTV, được biết: Để có được chỗ đứng trong làng nghề dẫn chương trình truyền hình và sống được trong lòng khán giả xem đài, anh đã phải mất 3 năm đào tạo ở trường Cao đẳng phát thanh truyền hình, chuyên ngành Báo chí Phát thanh – Truyền hình và hơn 10 năm trong nghề. Kiến thức học được ở thầy cô, bạn bè cộng với kinh nghiệm tích lũy được trong thời gian khá lâu, với không ít những chương trình sau khi thực hiện khen ít, chê nhiều, đến nay anh vẫn phải trau dồi, học hỏi để hoàn thiện bản thân.
            Khác với CT, dẫn chương trình TL được đánh giá là có tay nghề trong các chương trình nghi lễ. Ngoài phong thái chững chạc, đứng đắn, TL còn được ban tặng giọng nói ấm áp, truyền cảm, âm vực rõ ràng. Có nhiều cơ hội để rèn luyện tay nghề, bởi các nghi lễ cấp tỉnh, song TL vẫn cảm thấy run, mặc dù rất kỹ lưỡng trong việc nghiên cứu kịch bản, thậm chí đứng trước gương để tập trước từng bước đi, từng lời dẫn. TL chia sẻ: Cũng không phải tự nhiên mà có được sự tin tưởng của Lãnh đạo tỉnh giao cho thực hiện những chương trình trọng lễ, mà cũng phải trải qua không ít những “tai nạn nghề nghiệp”tưởng chừng như phải bỏ nghề, rồi tích lũy thành kinh nghiệm xương máu, không cho phép mình phạm phải lần thứ hai.
            Dễ hơn các chương trình hội nghị, nghi lễ hay game show truyền hình, nhưng đòi hỏi MC phải sôi nổi, nhạy bén, đó là lĩnh vực dẫn chương trình đám cưới. Tùy thuộc vào phong tục của mỗi vùng miền, mà hôn lễ được cử hành theo các bước khác nhau, MC phải tìm hiểu và thông qua ý kiến của gia đình. Có khi nghi lễ chỉ gồm giới thiệu  đại diện 2 bên gia đình, ra mắt, phát biểu, cô dâu chú rể khui rượu champagne, mời đại diện 2 gia đình uống rượu hồng, cô dâu chú rể uống rượu giao bôi, cắt bánh kem. Nhưng cũng có khi, ngoài các thủ tục nêu trên, 2 bên gia đình, người thân còn trao quà, cô dâu chú rể trao nhẫn, bông tai, vòng vàng…Song cũng có khi chỉ giới thiệu để cô dâu chú rể ra mắt, các thủ tục khác MC làm luôn. Trong thời gian từ 10 đến 15 phút, người dẫn chương trình phải thực hiện tất cả các thao tác, làm sao vừa hay, vừa hấp dẫn người nghe, vừa đảm đúng nghi lễ theo bản sắc văn hóa dân tộc và phong tục vùng miền. Tâm sự với chúng tôi, NS – một MC có tiếng “không dài, không ngắn, không nhiều nhưng rất hay”cho biết, anh luôn thay đổi nội dung bằng những ý thơ, đoạn văn có hồn để người nghe không nhàm chán, đặc biệt phải tôn trọng quan khách bằng việc trên tay luôn có kịch bản, dù đã thuộc lòng kịch bản. Ngoài ra phải chú trọng đến cách ăn mặc sao cho lịch sự, gọn gàng để được lòng tất cả các đối tượng khách. Quan trọng hơn cả là việc thu nhập, xử lý thông tin chính xác, tránh “râu ông nọ, cắm cằm bà kia”
            Vẫn biết, MC là linh hồn và quyết định đến sự thành công của mỗi chương trình, song nhiều đơn vị, tổ chức, cơ quan đã không biết “chọn mặt gửi vàng”, để nhiều chương trình đồng chí ủy viên Ban thường vụ tỉnh ủy được giới thiệu là ủy viên biên tập viên tỉnh ủy hay kính thưa hội nghị được MC thản nhiên phát ngôn rằng kính thưa hội hôn.
            “Nói sao cho nghe vừa lòng mọi người, nói sao cho chân thành dịu dàng nhất” là nhiệm vụ của người MC, người chọn “nghề nói” làm sự nghiệp của mình. Để làm được điều này, quả thật không dễ dàng, bởi đây là một nghiệp vụ thuộc lĩnh vực nghệ thuật, mà MC được xem là một nghệ sỹ.
                                                                                    Bùi Văn Sơn
Trung tâm Hỗ trợ thanh niên công nhân tỉnh Bình Phước. ĐT: 0918734594
                
Lên đầu trang
Vào giữa trang
Xuống cuối trang