Bài, ảnh: Đàm Tuấn Đạt
Về quê lúa, mảnh đất bao đời gìn giữ
và phát triển môn nghệ thuật chèo truyền thống, nhiều chiếu chèo cổ đã lùi sâu
vào quá khứ, trong số đó có chiếu chèo làng Ry Phúc, xã Thụy Phúc, huyện Thái
Thụy, tỉnh Thái Bình. Từ khi có Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII) của Đảng,
“mầm chèo” trỗi dậy, dẫu vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng tinh thần “tự trào” đã
khơi dậy mạch nguồn của vốn văn hóa cổ đáng trân trọng và rất cần sự gìn giữ.
Trước cách mạng tháng Tám, làng Ry
Phúc chỉ có vài chục suất đinh, hàng chục mẫu ruộng tập trung vào những gia
đình trung nông. Mỗi khi mùa về, bà con chòm xóm, anh em họ mạc lại tập trung
vào vụ gặt. Trong các gia đình ấy có hai gia đình cụ Đàm Văn Biểu và cụ Đàm Văn
Kiểng, hễ cứ bắt đầu vào vụ gặt là lại mở chiếu chèo. Trong kí ức của ông Đàm
Văn Đọc (năm nay đã ngoài 80 tuổi) thì mỗi khi lúa đỏ đồng là lại chuẩn bị có
dịp được xem hát chèo. Phường hát là những người trong làng tụ hội theo phường
gặt, gặt cho nhà ai thì hát cho nhà ấy, cho nên, cả làng hầu như nhà ai cũng có
người biết hát chèo. Mỗi phường hát được lãnh đạo bởi ông trùm chèo, mà ở hai
phường chèo này chính là cụ trùm Biểu và cụ trùm Kiểng. Buổi gặt đầu tiên, khi
những gánh lúa được xếp đống trên sân, các chiếu chèo thường được khởi phát.
Nhà hai cụ ở khá gần nhau, nên cứ nhà này nổi trống chèo, thì lập tức nhà bên
cũng trải chiếu chèo. Sân khấu chèo ngày ấy đơn giản lắm chỉ dùng 3-4 cái liếp
dựng lên, rồi trải chiếu vào là thành. Ánh sáng thường là dùng đèn đất, sau này
mới có đèn hai dây. Mỗi phường đều tự mua sắm đầy đủ các loại quần áo, trang
đạo cụ, trong đó âm nhạc chủ yếu là 2 cây nhị, mõ, thanh la, trống chầu (trống
to), trống con. Ấy vậy mà, cứ nổi nhạc lên là cả làng nhộn nhịp, làng trên, xóm
dưới kéo đến xem chật cả sân. Trong kí ức của ông Đàm Văn Lộc (năm nay cũng
ngót 80 tuổi), cháu nội cụ Kiểng thì những chiếc rương (giống cái hòm lớn có
chức năng như cái tủ quần áo bây giờ) đựng đầy ắp các loại quần áo, mỗi loại đi
với một vở được cất giữ rất cẩn thận, chỉ đến khi nào chuẩn bị trải chiếu chèo
mới được mở ra.
Bà Lê Thị Tiện, gần 90 tuổi, vẫn còn
rất mẫn tiệp kể về các vở chèo như: “Quan Âm Thị Kính”, “Phạm Ngũ Lão”, “Lưu
Bình Dương Lễ”, “Từ Thức”... những tích chèo này, thế hệ các bà hầu như đều
thuộc nằm lòng. Ngày ấy, người ta hát chèo bởi sự đam mê, bởi cái tình yêu chân
chất của hương đồng gió nội và chính nó đã trở thành động lực, động viên tinh
thần, khích lệ các phường gặt nhanh tay hơn. Nét văn hóa đó, đã thấm đẫm vào
đất mẹ, nó bao trùm, nâng đỡ, nuôi dưỡng tâm hồn cho bà con dân làng Ry Phúc
vượt qua bao nhọc nhằn của cuộc sống.
Rồi, Cách mạng tháng Tám về. Những
chiếu chèo dần biến mất, nhưng cái “chất men” truyền thống, hơi thở của chèo đã
trở thành dòng chảy, truyền lại cho các thế hệ cháu con. Những người con làng
Ry nay đã ở vào tuổi xưa nay hiếm, nối nghiệp cha ông ở thời đại mới trong
những năm sửa sai sau 1954. Họ tham gia vào đội văn nghệ của làng xã, trở thành
những kép hát trụ cột, nâng niu những giá trị cổ và hội nhập với những vở cải lương
đi biểu diễn ở khắp nơi trong huyện, tạo nên tiếng vang cho sân khấu làng Ry.
Những tên tuổi mà tiếng hát, cách diễn xuất của họ đã đi vào lòng người cho đến
tận hôm nay như: Ông Đàm Văn Tiềm, bà Đàm Thị Mây (hai người là cháu nội cụ
trùm Biểu), ông Nguyễn Văn Đáo, ông Đàm Văn Phán, ông Đàm Đức Bảng, bà Bùi Thị
Thoản... Nếu những vai chính diện được các ông bà Tiềm, Mây, Đáo thể hiện thành
công bởi chất giọng mượt mà, đằm thắm thì ở những vai phản diện như vai “thái
sư” ở một số tích chèo, cải lương phải kế đến các ông Phán, Bảng. Nói như ông
Đàm Văn Đọc thì khó có đoàn chào, cải lương nào sánh kịp. Theo bà Đàm Thị Mây
thì những tích chèo như “Tấm Cám”, “Quan Âm Thị Kính”... đi diễn ở khắp nơi có
bán vé, đó là những ngày tháng giờ vẫn là kỉ niệm đẹp đối với bà và bà mong
muốn thế hệ con cháu, cùng các cấp, các ngành cố gắng gìn giữ cái nôi hát chèo
quý giá ấy.
Nối nghiệp trong tự trào
Có mặt tham dự các hoạt động trong
những ngày lệ làng Ry Phúc (9,10 tháng 9 hằng năm), chúng tôi được chứng kiến
đêm văn nghệ đậm chất đồng quê mang tên “Tiếng hát quê hương”. Có lẽ không ở
đâu giai điệu cuộc sống được sân khấu hóa khéo đến như vậy. Những công việc đời
thường có từ ngàn đời nay như: chống rầy cho lúa, củ khoai, bắp ngô, cây hành,
cây tỏi... được “bê” lên sân khấu mà vẫn lôi kéo được biển người khắp nơi kéo
đến xem. Hoạt cảnh chèo “Ngọc hoàng vi hành” ca ngợi về chương trình nông thôn
mới là tác phẩm như vậy. Vai Nam Tào được “diễn viên” Thúy Mười (con dâu bà
Tiện) thể hiện đã tạo ra làn sóng vỗ tay không ngớt “Làng tôi năm xưa đi đường
gạch/ Bây giờ làng đổ hết bê tông/ Nào là máy tuốt, công nông chạy rầm rầm/Gặt
xong bốc lúa lên bờ phụt rơm ra”... hay vai Bắc Đẩu của chị Hồng Mận: “Lúa Nhật
xuất khẩu cân tại đầu bờ/Dưa chuột, dưa leo, bí xanh, ngô nếp/ Khoai tây kết
hợp cùng với khoai lang/Cây ớt, cây hành, rau xanh xanh tuốt một màu/Bà con
phấn khởi đua nhau cùng làng”... Chị Đoàn Thị Tuyết, khán giả đến từ thôn Lai
Triều, xã Thụy Dương, tấm tắc: “Chương trình rất hay, thích xem hơn các đoàn
chuyên nghiệp, diễn viên không chuyên nhưng rất giỏi, có niềm say mê, nhiệt
huyết và nội dung thì rất gần gũi với bà con”.
Bà Bùi Thị Bình, hạt nhân văn nghệ của làng Ry phúc,
chia sẻ: “Có người cho rằng chèo là một môn nghệ thuật khó với người khó và dễ
với người dễ, quả đúng là như vậy. Ngay đội văn nghệ của làng, hỏi về kỹ thuật
hát chèo có người chẳng hiểu gì, nhưng hễ cứ nổi trống chèo lên là hát rất hay.
Tôi đã tham gia hát chèo từ những năm 70 của thế kỷ trước, nhưng cũng hiểu nôm
na là người hát trước tiên là phải đúng làn điệu, chắc phách, phải phân biệt
được phách nội và phách ngoại và phải hát sao cho “nền, ấm, màu, hơi tròn vành
rõ tiếng”. Còn bà Trần Thị Mái, Đội trưởng đội văn nghệ của làng, bộc bạch:
“Anh chị em chúng tôi đều bắt nguồn từ niềm say mê văn nghệ, hơn nữa làng có
truyền thống từ xa xưa nên cố gắng duy trì. Phần lớn nội dung là tự sáng tác
theo các làn điệu chèo, còn tổ chức diễn thành vở như các cụ ngày xưa thì chưa
làm được. Để có được bài bản cần lắm sự đầu tư hỗ trợ, truyền thống có, niềm
say mê có thừa, nhưng điều kiện kinh tế chỉ có hạn. Thôi thì có con người đây,
ban ngày làm đồng, tối vẫn có thể tập hay lên sân khấu, nhưng nhạc cụ thì phải
đi thuê, mọi trang đạo cụ khác không có,... muốn khôi phục vốn cổ đâu có dễ”. Gặp
gỡ đồng chí Nguyễn Văn Nghĩa, cán bộ công chức văn hóa xã tại đêm văn nghệ,
được anh cho biết: “Năm 2013, đội văn nghệ Ry Phúc đại diện cho xã đi hội thi
những xã điểm nông thôn mới của huyện Thái Thụy giành giải Nhất (có 21 xã tham
gia). Đó là vốn quý của truyền thống quê nhà. Mấy năm gần đây, huyện có tổ chức
các lớp hạt nhân văn nghệ chèo với sự hướng dẫn nghiệp vụ của Sở Văn hóa, Thể
thao và Du lịch. Tôi nghĩ, sự hỗ trợ đó là cần thiết để khơi dậy môn nghệ thuật
đặc sắc này. Nếu xem nó là di sản văn hóa phi vật thể thì cần có sự đầu tư
chiều sâu để gìn giữ, vẫn biết rằng, không gian của nó là nằm chính trong đời
sống văn hóa của người dân”.
Đem những băn khoăn đó trao đổi với đồng chí Đàm Văn
Lượng, Bí thư Đảng ủy xã, được ông cho biết: “Xây dựng đời sống văn hóa là một
trong các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, các hoạt động trong không gian lễ
hội của làng Ry Phúc mang tính truyền thống nhằm phát huy những giá trị văn
hóa, vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Bộ môn
nghệ thuật chèo có từ lâu đời ở làng Ry Phúc, có thể xem đó là vốn quý. Trong
điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, chúng tôi có chủ trương xã hội hóa nhằm
huy động nguồn lực từ trong dân, nhất là kêu gọi con em quê hương đi xa quyên
góp ủng hộ. Chủ thể sáng tạo, gìn giữ, thụ hưởng văn hóa chính là người dân. Vì
thế tạo điều kiện để khơi dậy chiếu chèo truyền thống cần có sự vào cuộc của
các cấp, các ngành và toàn dân”.
Bài,
ảnh: Đàm Thái Bình