.

Thụy Phúc chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi
Bài và ảnh: Tuấn Đạt

Về Thụy Phúc (Thái Thụy, Thái Bình), chúng tôi cảm nhận được sự đổi thay từng ngày của một vùng quê giàu truyền thống cách mạng. Từ trục đường xã cho tới các ngõ xóm đều được bê tông hóa. Cùng đồng chí Đàm Văn Lượng - Bí thư Đảng ủy xã qua một xóm nhỏ sạch sẽ, phong quang để ra cánh đồng phía sau làng, anh cho biết: Những năm gần đây địa phương đã tích cực triển khai chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, kết hợp sự hỗ trợ của Nhà nước với việc vận động nhân dân
Câu chuyện chẳng mấy chốc đã dẫn chúng tôi đến phía sau làng, con đường nội đồng dài ngút mắt hiện ra, đồng
chí Bí thư bày tỏ: “Là một xã còn gặp nhiều khó khăn nên những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân đã cố gắng nhưng đường nội đồng và một số mương dẫn nước vẫn chưa có điều kiện kiên cố. Chúng tôi đang tập trung nguồn lực để từng bước giải quyết khó khăn này, chỉ có như vậy thì việc dồn điền, đổi thửa chuẩn bị cho sản xuất hàng hóa theo hướng hiện đại mới có ý nghĩa”. Đi trong màu xanh mướt của cánh đồng màu thôn Ry Phúc, những ruộng bắp cải cuộn chắc thẳng hàng, những giàn đậu sai trĩu quả, những luống rau gia vị quyến rũ, xen  lẫn những hàng dưa chuột, những vạt mùng tơi đang trỗi dậy mầm xanh,…một sức sống mãnh liệt của vùng chuyên canh cây rau màu cho chúng tôi cảm nhận về công sức mà những người dân nơi đây đang nỗ lực vươn lên. Theo đồng chí thôn trưởng Phan Văn Hoạch thì diện tích chuyên màu của thôn khoảng 20 ha, mỗi năm thu bình quân trên 100 triệu đồng/ha. Tuy vậy diện tích trồng rau màu còn manh mún, tính chuyên canh chưa sâu, tiếp cận phương thức trồng rau sạch còn hạn chế, rất mong có sự quan tâm của các cấp để bà con phát huy truyền thống thâm canh rau màu có từ lâu đời tiếp cận với khoa học, cách làm mới và tìm đầu ra cho sản phẩm góp phần nâng cao thu nhập, ổn định đời sống ngay trên chính mảnh đất quê hương mình.
Cánh đồng mùa gieo trồng đông vui khác thường, tiếng máy làm đất, tiếng cười nói, tiếng gọi nhau í ới như thổi vào đây một không khí ngày hội xuống đồng. Trao đổi với chúng tôi, Chủ nhiệm hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Lê Xuân Cảm cho biết: Những năm gần đây hợp tác xã đã định hướng cho bà con tiếp cận các giống lúa lai, giống mới có chất lượng, năng suất cao như ĐU 527, BC 15, TBR 1, Bắc thơm số 7, đồng thời khuyến khích, hướng dẫn bà con sử dụng phương pháp gieo thẳng để giảm chi phí nhân công, giống và rút ngắn được công đoạn cấy. Chính vì tích cực chuyển đổi cơ cấu giống và phương pháp gieo trồng mà năng suất lúa bình quân của xã đạt gần 12 tấn/ha. Ngoài việc duy trì hai vụ lúa xã đã mở rộng diện tích trồng cây vụ đông lên 50% diện tích canh tác, đưa các loại cây trồng như: Khoai lang, dưa chuột, bí xanh, hành hoa, ngô vào sản xuất, nâng giá trị canh tác cây vụ đông đạt gần 40 triệu đồng/ha.
Trên đường dẫn chúng tôi đi thăm khu trang trại của gia đình anh Đàm Văn Nõn, đồng chí Chủ nhiệm hợp tác xã cho biết thêm: “Hiện nay số hộ nuôi gia súc, gia cầm theo hình thức truyền thống không còn nhiều, đã có các hộ chuyển đổi sang hình thức trang trại tổng hợp, vừa nuôi lợn, gà, ngan, vịt, chim câu, cá đem lại hiệu quả kinh tế cao. Thụy Phúc đang khuyến khích bà con mạnh dạn chuyển đổi theo xu hướng này. Riêng đàn trâu, bò do không có diện tích đồng cỏ nên vẫn phát triển theo hộ gia đình với quy mô từ 2-3 con/hộ, đến nay tổng đàn trâu bò đạt gần 500 con; đàn lợn nái trên 700 con cũng theo hướng này nhằm tận dụng thực phẩm, phụ phẩm nông nghiệp”. Tiếp cận trang trại của gia đình anh Nõn, chúng tôi được biết: Năm 2011 trang trại nhà anh xuất 2 lứa lợn thịt, mỗi lứa gần 10 tấn thu hàng trăm triệu đồng, ngoài ra nuôi gà, vịt, ngan cũng thu được trên 50 triệu đồng tiền lãi. Hiện anh đã gây dựng được 100 đôi chim câu giống, dự kiến cuối quý I này bắt đầu xuất lứa chim đầu tiên ra thị trường, theo anh việc nuôi chim câu có khả năng cho thu nhập cao hơn vì giống chim sinh sản nhanh (từ 30 – 45 ngày/lứa), thị trường tiêu thụ mạnh sẽ là mũi nhọn chăn nuôi đối với gia đình anh.
Trở về trụ sở xã, đồng chí Nguyễn Trường Ca – Chủ tịch UBND xã cho biết: Thụy phúc có diện tích tự nhiên 289,2 ha trong đó diện tích đất nông nghiệp 217, dân số gần 3.600 nhân khẩu. Là xã thuần nông nên việc triển khai đề án xây dựng nông thôn mới đòi hỏi cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân trong xã phải nỗ lực rất nhiều. So với 19 tiêu chí nông thôn mới của tỉnh còn nhiều tiêu chí phải phấn đấu cật lực mới đạt được. Chúng tôi đã xác định cùng với việc chú trọng chuyển đổi cơ cấu cấy trồng, vật nuôi, phá thế độc canh cây lúa, đa dạng hóa ngành nghề, thu hút nhiều nghề phụ như: Làm mi mắt giả, móc sợi, đan mặt ghế, khâu bóng, may mặc,…từng bước xây dựng cho xã một ngành nghề truyền thống mang lại thu nhập ổn định cho người dân./.
Trong ảnh: Mô hình nuôi chim tại trang trại gia đình anh Đàm Văn Nõn (Thôn Ry Phúc) và Cánh đồng chuyên canh cây rau màu ở Thụy Phúc.
Lên đầu trang
Vào giữa trang
Xuống cuối trang